• Tuyển sinh 2015: Siết chặt chỉ tiêu liên thông

    Tuyển sinh 2015: Siết chặt chỉ tiêu liên thông 

    Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 55 về quy định đào tạo liên thông, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đang “nới lỏng” hệ đào tạo này. Dân trí vừa có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Anh Tuấn-Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH xoay quanh vấn đề này.



    Trước khi giải đáp những băn khoăn mà dư luận đặt ra, Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh: Ở đây Bộ GD-ĐTchỉ sửa đổi, bổ sung Thông tư 55 chứ không phải ban hành một quy định mới. Việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết để phù hợp với các văn bản hiện hành của Bộ và xu hướng đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay.
    Về nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào phương thức tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, thêm điểm mới về tuyển thẳng trong liên thông. Những vấn đề khác liên quan đến công tác đào tạo đã được quy định tại Thông tư 55 vẫn được giữ nguyên, nghĩa là vẫn “siết chặt” như hai năm trở lại đây. 
    PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT.

    PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT.
    Việc sửa đổi, bổ sung cũng này đã được Ban soạn thảo xin ý kiến của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện ngay cả khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực.
    Việc đào tạo liên thông trong những năm qua được Bộ GD-ĐT cương quyết chấn chỉnh bằng sự ra đời của Thông tư 55. Với việc sửa đổi, bổ sung một số quy định đã khiến nhiều người cho rằng chúng ta đang “thả lỏng” công tác đào tạo liên thông. Vụ trưởng nghĩ sao về điều này?
    Đúng là Thông tư 55 được thực hiện hơn hai năm qua đã có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của hình thức đào tạo này và giúp khắc phục quan niệm cho rằng liên thông là “con đường vòng” của tất cả những người không đủ điều kiện vào ĐH và đào tạo không đảm bảo chất lượng.
    Tuy nhiên, thực hiện lộ trình đổi mới đào tạo ĐH, trước hết là đổi mới công tác tuyển sinh, việc tuyển sinh liên thông cũng phải thay đổi phù hợp các văn bản hiện hành của Bộ.
    Việc bỏ quy định về riêng đối với người có thời gian tốt nghiệp dưới 36 tháng là để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và nếu nhiều người cùng dự thi thì có thể nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Việc cho phép thi và dựa trên kết quả thi các môn chuyên môn cũng khuyến khích các em tích cực học tập ở bậc trung cấp và cao đẳng, góp phần nâng cao chất lượng của các bậc học này.
    Tôi cũng xin lưu ý, Thông tư 55 không hạn chế các em học sinh, sinh viên học liên thông, các thí sinh sau khi tốt nghiệp, đủ điều kiện đều được quyền thi liên thông ngay. Thông tư 55 chỉ quy định các môn thi và tổ chức thi tuyển khác nhau giữa hai đối tượng dưới 36 tháng và từ 36 tháng trở lên mà thôi (Các thí sinh có thời gian kể từ khi tốt nghiệp đến khi đăng ký dự thi dưới 36 tháng thì phải thi các môn văn hóa, từ 36 tháng trở lên thì dự thi các môn chuyên môn).
    Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung có đưa ra hai phương thức tuyển sinh, trong đó có việc các trường được phép tổ chức thi tuyển liên thông riêng, nghĩa là quay lại thời trước khi có Thông tư 55. Vụ trưởng có lo lắng sẽ có tiêu cực hoặc tháo khoán để tuyển sinh được nhiều hay không?
    Nếu chúng ta đọc kỹ dự thảo sẽ thấy quy trình tuyển sinh vẫn chặt chẽ như trước đây. Điểm khác là tất cả các cơ sở đào tạo được phép lựa chọn phương thức tuyển sinh chứ không quy định phân biệt như trước đây.
    Bộ GD-ĐT cũng lường trước được vấn đề phát sinh có thể xảy ta khi mở rộng đối tượng dự thi bằng cách “siết” chỉ tiêu liên thông. Chỉ tiêu liên thông chính quy được khống chế chặt chẽ hơn theo từng ngành đào tạo, ở mức không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành khoa học sức khỏe và không quá 20% đối với các ngành khác; những người trúng tuyển phải học, kiểm tra đánh giá cùng với sinh viên chính quy, không tổ chức lớp liên thông riêng…
    Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo vẫn được chú trọng thực hiện bằng hàng loạt các quy định như: các cơ sở đào tạo muốn đào tạo liên thông phải có một khóa tốt nghiệp chính quy, phải tổ chức đào tạo theo tín chỉ; phải xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh liên thông phù hợp với các quy định hiện hành để cụ thể và minh bạch công tác tuyển sinh liên thông của cơ sở mình.
    Nếu sử dụng phương thức thi tuyển thì cơ sở đào tạo căn cứ vào Quy chế tuyển sinh đối với từng hình thức đào tạo; nếu sử dụng hình thức xét tuyển thì cũng không được xét tuyển những thí sinh có kết quả thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
    Dự thảo sửa đổi, bổ sung cũng siết chặt việc đào tạo liên thông ở khối trường Y. Vụ trưởng có thể giải thích lý do vì sao hay không?
    Đối với các ngành khoa học sức khỏe, Dự thảo quy định chỉ tiêu liên thông chính quy thấp hơn mức chỉ tiêu chính quy của các ngành khác, với tỉ lệ không vượt quá 15% chỉ tiêu chính quy của từng ngành đào tạo (các ngành khác quy định tỷ lệ không quá 20%). Có thay đổi này bởi vì đào tạo các ngành khoa học sức khỏe có ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của con người nên cần quy định chặt chẽ hơn các ngành khác.
    Trong thời gian qua, các đơn vị quản lý đào tạo của hai bộ, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ để xem xét lại tiêu chí, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành Khoa học sức khỏe, trong đó có vấn đề chỉ tiêu liên thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các ngành này.
    Hình thức liên thông vừa làm vừa học không áp dụng đối với các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược sĩ trình độ cao đẳng, đại học vì cần yêu cầu người học những ngành này tập trung toàn bộ thời gian cho việc học tập. Đây cũng là một trong những nội dung đã được hai đơn vị quản lý đào tạo của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế để thống nhất đưa vào Dự thảo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
    Một điểm mới được đưa ra trong bản dự thảo sửa đổi, bổ sung đó là xét tuyển thẳng vào học liên thông trình độ Cao đẳng. Vụ trưởng có thể tiết lộ chủ trương này?
    Khoản 3, Điều 9 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định “Liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”.
    Theo đó thì hiện nay, Bộ GD-ĐT đang được giao quản lý nhà nước đối với việc đào tạo trình độ Cao đẳng nên có thể đưa vào Thông tư quy định đối với việc tuyển thẳng vào trình độ này.
    Trong trường hợp có đơn vị đào tạo tính đến phương án tuyển sinh liên thông năm nay bằng hình thức xét tuyển kết quả kì thi THPT quốc gia thì liệu có kịp để thí sinh đăng ký vào 1/4 tới?
    Thời gian đăng ký dự thi ở kì thi THPT quốc gia có thời hạn 1 tháng nên chắc chắn vẫn kịp. Chúng tôi sẽ dự kiến sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung vào đầu tháng 4 tới. Trong quá trình gửi góp ý dự thảo thì các trường cũng sẽ dự thảo phương án cụ thể nếu chọn phương thức xét tuyển để thí sinh biết đăng ký dự thi.
    Đối với các trường chọn phương thức thi tuyển thì càng thuận lợi hơn cho thí sinh khi trường chủ động về mặt thời gian.
    Xin cảm ơn ông!
    Nguyễn Hùng (thực hiện)
    Share on Google Plus

    Thông Tin Unknown

    Cập nhật thông tin mới nhất về trường Đại học Thành Đông: Thông tin tuyển sinh Đại học năm 2015
      Blogger Comment
      Facebook Comment

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét